Sách Giáo Khoa | Sách Giải Bài Tập | SGK Online

Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn

Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn - Phan Danh Hiếu
Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn –

Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn

Tác Giả:

Thể Loại: Lớp 12, Ngữ Văn

Vui lòng nhấp vào liên kết bên dưới để tải Ebook.

Giới Thiệu Sách:

Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn –

Cuốn Cẩm Nang Luyện Thi Quốc Gia Ngữ Văn 2014 – 2015 này được biên soạn theo cấu trúc đề thi ĐH – CĐ mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cuốn sách này được biên soạn theo cấu trúc đề thi ĐH – CĐ mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hình thức thi chung. Đã tái bản và sửa chữa bổ sung nhiều mục.

* MỚI NHẤT:

– DẠNG BÀI KẾT HỢP NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VÀ NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

– DẠNG ĐỀ CHỨNG MINH NHẬN ĐỊNH

Và các chuyên đề (Tương ứng với 3 câu hỏi):

Chuyên đề 1: Đọc hiểu

Chuyên đề 2: Các dạng đề thi câu 5 điểm và hướng vận dụng.

Chuyên đề 3: Chuyên đề so sánh

Chuyên đề 4: Nghị luận xã hội

Cấu trúc của sách được trình bày theo từng đơn vị bài học (đối với câu 5 điểm). Người biên soạn đã bám sát chương trình và sách giáo khoa mới và tinh thần đổi mới cách ra đề thi chung từ 2015. Nắm bắt được điều đó, người viết đã thiết kế hệ thống câu hỏi và hướng dẫn giải một cách đổi mới khác với các cuốn sách đang có mặt trên thị trường. Thực tế đi thi ĐH – CĐ thì đề thi của Bộ Giáo Dục cũng không ra ngoài chương trình sách giáo khoa. Và vì vậy, nếu chúng ta nắm chắc và ôn tập thật kỹ những nội dung trong cuốn sách này học sinh cũng có thể làm được 7 đến 8 điểm môn Văn. Từ năm 2015 là kỳ thi chung, vì vậy giáo viên và học sinh cần ôn thật kỹ chương trình Ngữ văn 12.

ĐỂ LÀM ĐƯỢC MỘT BÀI THI ĐẠI HỌC – CĐ ĐẠT ĐIỂM 7, 8, 9

I. ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

Các em học sinh thân mến!

Học văn là học cả tâm hồn nghĩa là mở rộng tâm hồn mình để đón nhận thông điệp của nhà văn. Người học văn là người vừa đón nhận vừa phát đi thông điệp ấy. Vì vậy, học văn đòi hỏi phải có tâm hồn.

Việc học tập môn Ngữ văn thực ra không khó. Trên lớp chú ý nghe giảng, ghi chép nội dung quan trọng của bài giảng mà thầy cô giáo đã truyền đạt. Thơ thì cần nắm nội dung và nghệ thuật. Văn xuôi thì cần nắm dẫn chứng, các chi tiết nghệ thuật, tình huống truyện, hình tượng nhân vật, bút pháp nghệ thuật của tác giả… Nắm vững được cái cốt lõi của tác phẩm rồi thì bắt đầu tập viết cảm nhận, phân tích. Một bài văn do mình viết ra là một đứa con tinh thần. Mỗi một người học sinh là một nhà tiểu phê bình văn học. Vì vậy cần có tư duy về văn chương và năng lực cảm nhận. Một bài văn tốt là đáp ứng đúng và đủ yêu cầu của đề bài; kết cấu rõ ràng, hợp lý, có tính hệ thống; phân tích thuyết phục, hấp dẫn, có tính văn chương và tinh thần sáng tạo. Sáng tạo ở đây là tìm tòi và khám phá ra những chiều sâu chưa nói hết của tác phẩm. Muốn vậy, phải vận dụng những kiến thức về lý luận văn học một cách thích hợp (so sánh tác phẩm này với tác phẩm kia, nhân vật này nhân vật nọ để tạo nên chiều sâu của bài viết; tìm đọc một nhận định sắc sảo, những ý kiến về tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học). Từ đó kết hợp với cảm xúc chủ quan của mình thì sẽ nhào nặn ra được một bài văn thuyết phục.

Nghị luận xã hội thì cần có vốn sống, kinh nghiệm sống, phải đọc nhiều báo chí, sách vở để có tư liệu thực tế. Bài văn nghị luận xã hội hay là bài văn có vốn sống, có sự hiểu biết xã hội, biết phân biệt đúng sai, phải trái, biết rút ra cho mình bài học. Cũng thông qua bài văn nghị luận xã hội ấy mà điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với hoàn cảnh.

Cuối cùng là việc học văn suy cho cùng cũng là hoàn thiện nhân cách và mở rộng lòng nhân. Người học văn phải có những rung cảm trước cuộc đời, rung cảm trước mỗi câu thơ, câu văn. Khi viết cũng như khi đọc cần để cho tâm hồn mình rung lên như sợi dây đàn. Tâm hồn mà như cánh diều no gió sẽ viết văn hay hơn, bay bổng hơn, lời văn đẹp hơn, mượt hơn. Vì vậy, học văn là học Nhân Văn. Cần phát huy cái Nhân Văn của mình không chỉ trong bài làm mà còn là suy nghĩ, ứng xử, hành động đẹp với mọi người xung quanh.

II. PHƯƠNG PHÁP ÔN TẬP

1. Chia các tác phẩm theo từng giai đoạn để ôn tập

– Chia ra Văn 11, Văn 12 theo từng giai đoạn như sau:

a. Văn học lớp 11 thì có:

– Văn học Lãng mạn gồm: Truyện lãng mạn: Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Hai đứa trẻ – Thạch Lam); Thơ lãng mạn có: Vội vàng – Xuân Diệu, Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử, Tràng giang – Huy Cận, Tương tư – Nguyễn Bính (nâng cao)

– Văn học hiện thực phê phán có: Chí Phèo – Nam Cao, Hạnh phúc của một tang gia (trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng). Đời thừa – Nam Cao (Nâng cao)

– Kịch: Vĩnh biệt cửu trùng đài.

– Văn học Cách mạng gồm: Chiều tối, Lai Tân của Hồ Chí Minh; Từ ấy của Tố Hữu.

b. Văn học lớp 12 gồm:

– Văn học chống Pháp 1945 – 1954: Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh, Tây Tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài, Vợ nhặt – Kim Lân.

– Văn học xây dựng CNXH 1955 – 1960: Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên (nâng cao), Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân.

– Văn học chống Mỹ 1961 – 1975: Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi, Sóng – Xuân Quỳnh.

– Thơ văn sau 1975: Kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt” – Lưu Quang Vũ, Một người Hà Nội – Nguyễn Khải (nâng cao), Chiếc thuyền ngoài xa – Châu, Ai đã đặt tên cho dòng sông – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đàn ghita của Lorca – Thanh Thảo.

2. Đọc kỹ tác phẩm, nắm được phong cách tác giả.

– Tác giả thì cần nắm được: phong cách nghệ thuật, tác phẩm đó trích từ tập nào, ra đời trong hoàn cảnh ra sao?

– Thơ thì thuộc lòng. Học và cố nhớ được những câu thơ hay. Thuộc thêm một số câu thơ ngoài tác phẩm nhưng có cùng nội dung để làm dẫn chứng minh họa thêm cho bài làm.

– Văn xuôi thì đọc kỹ, nắm nội dung, tóm tắt được câu chuyện, nắm được các chi tiết nghệ thuật.

3. Hệ thống các ý chính trong bài học theo sơ đồ tư duy.

– Thơ thì nắm nội dung từng đoạn.

– Văn xuôi nắm được đặc điểm của từng nhân vật hoặc giá trị tác phẩm.

– Thuộc lòng dẫn chứng.

4. Tham khảo đề thi và đáp án của Bộ Giáo Dục từ năm 2009 đến nay.

– Mục đích là tìm hiểu các dạng đề thi, cấu trúc đề thi. Đọc kỹ từng đáp án, soi từng Barem điểm, từ đó học cách lập dàn ý, cách xác lập luận điểm.

– Tham khảo thường xuyên qua các năm còn giúp ta nhận ra được hướng ra đề của Bộ để từ đó biết hướng ôn tập cho hiệu quả. Tránh lối học tràn lan, tham kiến thức.

5. Tự giải đề thi

– Tự tìm đề thi trên các trang Web uy tín hoặc xin đề thi từ các giáo viên Ngữ văn rồi tự làm bài. Làm càng nhiều thì càng lên tay. Đừng nản. Làm xong nhờ thầy cô chấm bài.

– Cố gắng khi viết bài đừng cố viết cho hay mà cố viết cho đúng, đủ đáp án. Sau đó tập diễn đạt cho trôi chảy. Sau khi thành công các khâu đó rồi thì tập viết lời văn cho mượt, cho bóng bẩy, trau chuốt.

– Một bài thi ĐH đạt điểm cao không hẳn là viết hay mà cần viết đúng, diễn đạt trôi chảy, có nội dung là đã điểm cao.

III. CÁCH LÀM TỪNG CÂU

1. Phân bố thời gian hợp lý.

– Lập dàn ý: 10 phút.

– Câu 1: 10 phút.

– Câu 2: 60 phút.

– Câu 3: 100 phút.

* Ngày thi nhớ mang đồng hồ để căn thời gian mà làm bài cho hợp lý.

* Không ra khỏi phòng thi sớm mà cố gắng ngồi cho trọn thời gian. Có khi chính lúc đó chúng ta sẽ sửa được những sai sót của mình.

* Ít nhất phải viết được 2 tờ giấy đôi trở lên.

2. Cấu trúc đề thi năm 2014 có 3 câu:

Câu I: (2,0 điểm) Đọc hiểu

– Cho một đoạn văn bản, một đoạn thơ.

– Hỏi về nội dung, nghệ thuật.

Câu II (3.0 điểm): Dạng đề Nghị luận xã hội (đọc kỹ chuyên đề NLXH ở chuyên đề 3 trong sách này)

a. Cần nắm được dạng bài nghị luận xã hội:

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn ra đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn theo hướng mở nhằm đánh giá được năng lực và phân loại trình độ của học sinh, nhất là ở mảng câu hỏi nghị luận xã hội. Điều này cũng giúp học sinh có khả năng vận dụng được những hiểu biết thực tế vào bài viết của mình. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn có hiện tượng thí sinh làm xa đề, lạc đề, lan man,… Vì vậy, việc xác định kiểu dạng đề thi nghị luận là rất cần thiết, tránh cho thí sinh đi lạc hướng và làm sai đề. Muốn vậy, mỗi thí sinh

phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng bài văn. Thông thường, ta dễ bắt gặp 2 kiểu, dạng đề đó là: nghị luận về một tư tưởng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội. Cần phân biệt như sau:

– Hiện tượng đời sống: đây là dạng đề mang tính thời sự, bàn về một vấn đề, một hiện tượng có tính xã hội (hoặc tốt, hoặc xấu) đang diễn ra xung quanh cuộc sống của chúng ta. Chẳng hạn như: tai nạn giao thông, bạo lực học đường, nạn khoe thân trên mạng của nữ sinh, tạo scandal để nổi tiếng của giới trẻ hiện nay… Phần mở bài, cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần thân bài, cần triển khai các điểm sau: nêu thực trạng của hiện tượng đời sống: hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (nguyên nhân chủ quan, khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống cần nghị luận.

– Tư tưởng đạo lý: thường bàn về một quan điểm, một tư tưởng (nhân văn hoặc phản nhân văn) như: lòng dũng cảm, lòng khoan dung, thói vô cảm, vô trách nhiệm… Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học, …

Chẳng hạn như: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương” (Đời thừa – Nam Cao). Hoặc “Nếu thấy một gia đình hạnh phúc bạn hãy tin rằng trong ngôi nhà đó có một người đàn bà biết hi sinh” (Rene Bazin)

b. Cần nắm được bố cục chung của từng dạng đề:

– Đọc kỹ chuyên đề 4 trong sách này để nắm được bố cục chung.

c. Lưu ý khi làm bài:

– Thường dạng đề nghị luận xã hội chỉ giới hạn 400 từ cho thi tốt nghiệp và 600 từ cho thi Đại Học. Vì vậy, bài làm phải thật cô đúc, ngắn gọn, có lập luận chặt chẽ, khúc chiết, rõ ràng. Dẫn chứng đưa ra phải thật thuyết phục, có sức hấp dẫn với người chấm. Tuyệt đối không lấy những dẫn chứng chung chung như anh A, chị B, bác C…

– Phần giải thích phải thuyết phục; phần bàn luận phải hợp tình hợp lý, khen chê rõ ràng.

d. Chú ý về thời gian:

Một bài nghị luận xã hội thường có yêu cầu về số lượng câu chữ nên thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở dàn ý, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

Câu III: (5,0 điểm) Làm văn

* Khác với mọi năm, năm 2014 đề thi chỉ có một câu (không có phần lựa chọn như các năm trước đó)

* Tuân thủ các bước làm câu 5 điểm như sau:

1. Đọc kỹ đề

Đọc kỹ đề thi là một khâu vô cùng quan trọng vì nó giúp chúng ta hiểu đề, nắm bắt được yêu cầu của đề. Từ đó xác lập nội dung cho bài làm.

Khi đọc đề thi cần lưu ý: gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng, tức là điểm nhấn của yêu cầu đề. Những từ ngữ quan trọng đó khi làm bài thì nhớ phải có trong luận điểm mình đưa ra.

2. Lập dàn ý cho đề bài

Lập dàn ý cũng là một khâu rất quan trọng vì nhờ lập dàn ý mà ta kiểm soát được bài làm của mình. Tránh được lỗi viết lan man, dài dòng, lạc đề và nhất là để viết không sót ý.

Dàn ý có thể lập theo cấu trúc sau: (Sau đó viết bài cũng phải đủ các bước này thì mới đúng cấu trúc bài làm)

I. Mở bài : xác lập yêu cầu của đề bài.

II. Thân bài

1. Khái quát tác giả và tác phẩm:

– Nêu cho được phong cách của tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, xuất xứ.

– Giải thích ý kiến, khái niệm (nếu có)

2. Nội dung cần phân tích, cảm nhận.

– Ý 1

– Ý 2

– Ý 3


– Bình luận ý kiến (nếu có)

3. Đánh giá nội dung và nghệ thuật: những yếu tố nghệ thuật nào đã làm nên thành công của tác phẩm nói chung và nhân vật, đoạn thơ, đoạn văn, chi tiết… nói riêng.

III. Kết bài: đánh giá lại vấn đề.

3. Một số vấn đề cần lưu ý khi viết câu 5 điểm.

a. Yêu cầu

– Cần nắm vững nội dung kiến thức tác phẩm.

– Đọc kỹ đề, gạch chân dưới những từ ngữ quan trọng trong đề. Phải hiểu đề thi đang hỏi ta điều gì?

– Xác định đề thi thuộc dạng đề thi nào? Chứng minh một nhận định hay phân tích một hình tượng, một đoạn thơ, một bài thơ… hay so sánh đối chiếu giữa các tác phẩm với nhau?

b. Các bước làm bài giống như ở phần đã lập dàn ý nhưng cần chú ý:

I. Mở bài: nêu được yêu cầu của đề bài. Nghĩa là đề thi yêu cầu như thế nào thì phải dẫn vào vấn đề như thế. Tránh lối viết mở bài mà không làm nổi bật được yêu cầu của đề.

II. Thân bài

1. Khái quát về tác giả, tác phẩm, xuất xứ (Phần này rất quan trọng vì trong đáp án của Bộ, học sinh làm tốt những yêu cầu này sẽ đạt 0,50 điểm)

2. Nội dung phân tích, cảm nhận:

– Trong phần nội dung của bài làm, học sinh phải xác lập được các luận điểm chính rồi từ đó dựa vào các thao tác: chứng minh, bình luận, phân tích, cảm nhận… để làm rõ luận điểm.

– Nên viết đoạn văn theo lối diễn dịch để ý được rõ ràng, giám khảo chấm cũng dễ cho điểm. Đầu mỗi luận điểm, lùi bút vào 2 ô giấy để giám khảo dễ nhìn bố cục của mình hơn.

– Đối với thơ hay truyện thì phải lấy nghệ thuật để phân tích phần nội dung (Nhất là phân tích thơ).

– Khi hành văn, cần tránh những câu từ sáo rỗng. Cần viết thật cô đọng, giọng văn phải kết hợp được chất lý luận và suy tư cảm xúc.

– Tránh gạch bỏ quá nhiều trong bài làm, làm bẩn bài làm sẽ gây phản cảm cho người chấm.

– Để tăng chiều sâu cho bài viết, cần có sự so sánh, đối chiếu giữa nhân vật này, nhân vật kia, tác phẩm này, tác phẩm nọ. Cần đưa một số lời phê bình, nhận định văn học vào trong bài làm. Cần có dẫn chứng thêm ngoài tác phẩm. Những yếu tố vừa nói trên đây sẽ làm cho bài văn của các em thêm phong phú và có chiều sâu, chắc chắn sẽ được giám khảo cân nhắc mà cho điểm cao.

3. Phần tổng kết nghệ thuật: theo đáp án, trước khi kết bài sẽ có phần tổng kết nghệ thuật. Học sinh cần có đánh giá, nhận xét chung về nghệ thuật của tác phẩm (phần này đáp án cho từ 1,00 điểm đến 1,50 điểm)

III. Kết bài: đánh giá chung về vấn đề.

Sách/Ebook Cùng Chủ Đề:

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

Sách Giáo Khoa | Sách Giải Bài Tập | SGK Online
Logo
Enable registration in settings - general